Bán đồ handmade online – 10 câu hỏi đặt ra trước khi khởi nghiệp
Các sản phẩm handmade luôn tạo ra được “cơn khát” trong thị trường với tính độc và lạ của chúng. Kinh doanh đồ handmade theo đó cũng trở thành lĩnh vực hấp dẫn cho các bạn trẻ. Vừa làm, vừa chơi, có lợi nhuận khủng mà không tốn nhiều vốn – ai mà không thích?! Tuy nhiên thị trường này cũng đầy rẫy sự cạnh tranh, nếu không biết người biết ta thì sẽ khó theo tới cùng. Vậy bạn cần biết những gì trước khi kinh doanh đồ handmade online? Sau đây là 10 câu hỏi mà những ai đang cân nhắc việc bán đồ handmade cũng cần trả lời:
1. Sản phẩm của bạn có hấp dẫn không?
Nếu câu trả lời là “Tất nhiên, tôi làm thì chắc chắn đẹp” thì bạn hãy gượm đã. Trước khi bạn mua một số lượng lớn nguyên liệu về làm, bạn phải xác định xem ai sẽ là người mua sản phẩm? Bạn đã nghiên cứu thị trường chưa? Hãy đề nghị những người bạn tốt nhất cho ý kiến trung thực: sản phẩm của bạn có đẹp không? Nếu là họ thì họ có sẵn sàng mua không? Cần cải tiến những gì?
Bạn cũng có thể đăng ảnh chụp sản phẩm thử nghiệm lên các diễn đàn, mạng xã hội để lấy ý kiến người dùng.
2. Bạn có xác định được chính xác chi phí sản xuất sản phẩm hay không?
Chi phí sản xuất sản phẩm không chỉ nằm ở việc bạn mua bao nhiêu nguyên vật liệu. Kinh doanh online tiềm ẩn rất nhiều chi phí khác như chi phí quảng cáo, lưu trữ web, bao bì, vận chuyển, … và cả thời gian của bạn nữa. Hãy tính toán thật kỹ và đừng bán sản phẩm với giá gần như biếu không. Nếu bạn không tạo ra lợi nhuận từ những gì bạn bỏ ra thì đó không phải là kinh doanh mà là sở thích.
3. Bạn dành bao nhiêu thời gian một tuần để tạo ra sản phẩm?
Làm đồ handmade sẽ ngốn của bạn rất nhiều thời gian. Nhưng bạn cũng không muốn khách hàng của mình phải chờ mòn mỏi, đúng không? Bạn còn cần phải cân bằng giữa việc làm đồ handmade với thời gian sinh hoạt bình thường, thời gian đi làm/đi học (nếu kinh doanh đồ handmade chỉ là nghề tay trái)… Do đó khoản thời gian của bạn để theo đuổi công việc kinh doanh không thực sự nhiều.
Giả sử bạn dành 2 buổi tối mỗi tuần cộng với 1 buổi chiều chủ nhật = 10 giờ mỗi tuần để làm sản phẩm, mỗi sản phẩm bạn làm trong 30 phút. Điều đó có nghĩa là tối đa bạn tạo ra 20 sản phẩm mỗi tuần. Liệu 20 sản phẩm có đủ đem đến lợi nhuận mong muốn cho bạn?
Bạn muốn tăng lợi nhuận? hãy cân nhắc câu hỏi thứ 4:
4. Bạn có vui vẻ dành nhiều thời gian làm việc để có nhiều lợi nhuận hơn hay không?
Bên cạnh việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu rẻ hơn để làm, thì việc tăng thời gian, tăng số lượng sản phẩm là cách tốt nhất để bạn tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, bạn có sẵn sàng bớt đi cà phê, bớt đi giờ ngủ, bớt gặp người yêu/bạn bè để thực hiện công việc của mình khi đơn hàng gia tăng hay không?
5. Bạn có sẵn bao nhiêu thời gian để dành cho tiếp thị sản phẩm mỗi tuần?
Chi phí thời gian không dừng lại ở việc bạn tạo ra sản phẩm. Muốn bán được sản phẩm bạn còn cần phải dành thời gian marketing cho nó. Bạn phải xây dựng nội dung website cũng như fanpage ít nhất 1-2 bài mỗi ngày. Bạn phải thường xuyên lên các diễn đàn đăng tin, trả lời thắc mắc của khách hàng. Bạn cần móc nối với các mối quan hệ bạn có để mở rộng thị trường tiềm năng. Lượng thời gian marketing này ngốn sấp xỉ thời gian bạn làm sản phẩm. Liệu bạn có đủ nguồn lực để tiếp tục thực hiện? Hoặc bạn có sẵn sàng hy sinh nhiều thứ trong khoảng thời gian đầu để theo đuổi?
Nếu đến đây bạn vẫn còn giữ ý tưởng kinh doanh nghĩa là bạn rất đam mê với công việc này. Đây là dấu hiệu tốt! Hãy chuyển sang các câu hỏi tiếp theo:
6. Bạn có nghĩ ra một cái tên độc đáo cho doanh nghiệp hay không?
Tên của doanh nghiệp cũng sẽ tương đương với tên website của bạn. Hãy dành thời gian suy nghĩ song song với nghiên cứu trên mạng xem những cái tên đẹp, khả dĩ có người nào đăng ký chưa. Đừng vội vàng đặt tên và quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội cũng như diễn đàn trước khi bạn thành lập website chính thức. Đăng ký tên miền ngay khi quyết định, chậm 1 ngày cũng có thể khiến tên website mà bạn ưng ý bị người khác đăng ký mất.
7. Hướng đi tiếp thị của bạn là gì?
Bạn sẽ chỉ bán hàng trên website của mình hay chào hàng trên cả ebay.com, hotdeal.vn, chotot.vn…? Hãy tận dụng lợi thế về lưu lượng truy cập trên các sàn giao dịch thương mại điện tử sẵn có. Đây cũng là nơi tuyệt vời để kiểm tra thị trường trước khi đầu tư (thời gian hay tiền bạc) vào website riêng. Họ cũng có mạng lưới hỗ trợ nội bộ lớn, nhờ đó bạn có thể tham gia vào cộng đồng, tạo ra bạn bè và người hâm mộ trong cộng đồng.
8. Bạn có thể chụp được những bức ảnh tuyệt vời không?
Kinh doanh online, cái đập vô mắt khách hàng đầu tiên và tác động đến 90% quyết định mua hàng là hình ảnh sản phẩm. Hãy tham khảo các bộ sưu tập đồ handmade để tìm cảm hứng và đọc các thủ thuật chụp ảnh sản phẩm. Nếu cần thiết, bạn có thể đầu tư vào một khóa học, sẽ rất đáng giá!
9. Bạn có biết SEO hay không?
SEO – tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, là một thuật ngữ mà những người tham gia lĩnh vực thương mại điện tử đều phải biết. Mọi người sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm sản phẩm họ cần, vì vậy bạn cần xuất hiện ngay trang đầu tiên của kết quả. Hãy tìm hiểu về SEO và cách bạn có thể sử dụng blog để thu hút lưu lượng truy cập vào website bán hàng của bạn.
10. Bạn có chiến lược tiếp thị mạng xã hội hay không?
Mạng xã hội – nơi tập trung số lượng lớn khách hàng tiềm năng của bạn, bạn sẽ không muốn bỏ qua nó đâu! Bạn cần phải chuẩn bị chiến lược kỹ càng để đánh vào kênh tiếp thị này. Tham khảo bài viết Làm thế nào để kiếm được những khách hàng đầu tiên, bạn sẽ tìm thấy một vài kinh nghiệm hay ho trong việc chào hàng trên mạng xã hội.
Mắt Bão Marcom Dept.