facebook com
Thứ sáu, 06/02,2015, 11:38

Mắt Bão – Con đường thành công là con đường đơn giản

Bạn sẽ khởi đầu kinh doanh trên Internet như thế nào? Đây là câu hỏi không quá khó để trả lời tại thời điểm hiện tại. Người dùng hay doanh nghiệp chỉ cần đăng ký một tên miền, thiết kế trang web và thuê chỗ lưu trữ website để mọi người có thể truy cập. Tất cả những gì cần làm đều có thể tìm dễ dàng trên mạng với nhiều dịch vụ nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của bạn.

Banner.jpg

Trẻ và tham vọng

Mắt Bão được thành lập từ năm 2002 bởi 2 người bạn từ thời niên thiếu. Công cuộc khởi nghiệp bắt đầu khi tất cả đều đang còn ở trên ghế giảng đường, khi mà với Lê Hải Bình (người sáng lập và nay là Chủ tịch hội đồng quản trị của Mắt Bão) và những người bạn khác dường như không có một khái niệm gì về kế hoạch phát triển hay đầu tư mà tất cả bắt nguồn từ đam mê công nghệ. Vào thời điểm Internet chập chững những bước đầu tiên tại Việt Nam, mỗi dự án website tiêu tốn từ 1000-2000 USD trở lên, một khoản đầu tư khá lớn đối với cá nhân hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ lúc bấy giờ.

Với nền tảng kiến thức về kỹ thuật nên Mắt Bão định hướng vào phát triển web, và được kỳ vọng sẽ là thế hệ kế tiếp của các nhà phát triển website (slogan của Mắt Bão lúc đó là The Next Generation of Web Development). Công ty bắt đầu hoạt động với 5 người, 3 chiếc PC và 15 triệu đồng vốn.

Theo đuổi các dự án web có thể kiếm được tiền nhưng không thường xuyên, các nhà sáng lập thì lại thuần về kỹ thuật chứ chưa am hiểu tiếp thị hay bán hàng nên dường như tất cả đều cảm thấy không ổn về con đường hiện tại của mình. Chỉ sau hơn 4 tháng thành lập, Mắt Bão nhận thấy mảng dịch vụ và cơ sở hạ tầng cho website dường như chưa đáp ứng được nhu cầu khi số lượng các website ngày càng tăng. Lê Hải Bình lập tức chuyển ngay sang đầu tư vào lĩnh vực này, cung cấp các dịch vụ doman, hosting, email…

Quyết định chuyển hướng kinh doanh thể hiện sự thay đổi tư duy của các nhà sáng lập Mắt Bão. Họ ngưng thế mạnh kỹ thuật của mình, gác lại công việc phát triển web để lao vào thị trường bán lẻ dịch vụ. Quan điểm của Mắt Bão là cung cấp dịch vụ cho số đông, bán những sản phẩm giá trị không cao nhưng lại phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo xu thế khi đó. Để bắt đầu, công ty trở thành đại lý cho các nhà cung cấp lớn trong nước và cả nhà cung cấp ở nước ngoài.

Khoảng thời gian này, để duy trì hoạt động kinh doanh, Mắt Bão hầu như chỉ sử dụng vốn của chính mình. Tuy nhiên với tham vọng vươn lên, các nhà sáng lập nhận ra rằng không thể tiếp tục theo cách như vậy và quyết định đưa tài sản riêng của các thành viên trong công ty làm đối ứng để vay vốn ngân hàng. Cách làm này chứa nhiều rủi ro, mạo hiểm nhưng đã giúp cho Mắt Bão có dòng vốn lớn hơn để phát triển, và nhất là buộc công ty phải xây dựng một tổ chức bài bản và chuyên nghiệp hơn. Đến thời điểm hiện tại (2015), Mắt Bão vẫn tự hào là công ty tư nhân 100% vốn Việt Nam. Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa là công ty từ chối tất cả các hợp tác, đầu tư từ nước ngoài. Đã có những cuộc gặp gỡ trao đổi với đối tác, nhưng tất cả vẫn đang trong thời gian phân tích và đánh giá.

Theo ông Lê Hải Bình thì sau hơn 13 năm, Mắt Bão đã rất cố gắng và đạt được một số thành quả nhất định. Để được như vậy, công ty luôn xác định phải có một đội ngũ lãnh đạo trẻ, năng động, nhiều ý tưởng và bản lĩnh. Ngoài ra, việc tính toán kỹ lưỡng trong xác định loại hình dịch vụ, phân khúc khách hàng, cách thức tiếp cận khách hàng… theo một lối đi riêng, đã giúp Mắt Bão có một chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Câu chuyện thương hiệu

Đến năm 2008, Mắt Bão vẫn chưa thực sự có khái niệm rõ ràng về Marketing, chưa xác định được giá trị của thương hiệu. Tất cả những gì đạt được chỉ là theo xu hướng thị trường. Các nhà sáng lập vào thời điểm đó cho rằng phát triển thương hiệu độc lập sẽ hiệu quả hơn là dùng chung một tên Mắt Bão.  Vì vậy, với sự tham gia của Huỳnh Ngọc Duy, công ty Cổ phần Thị Trường Việt ra đời nhằm tận dụng những tài nguyên phong phú mà Mắt Bão tích lũy được sau hơn 5 năm làm dịch vụ mạng. Thị Trường Việt mở ra hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo trục tuyến và thiết kế website, tiếp tục giấc mơ dang dở của các nhà sáng lập Mắt Bão từ năm 2002.

Sau đó khoảng 3 năm, vào năm 2011, với gương mặt quá mới trong lĩnh vực web và phải cạnh tranh với nhiều đối thủ, Thị Trường Việt đã chấp nhận dừng chân. Công ty không thể khai thác hết tiềm năng khách hàng mà Mắt Bão mang lại. Chính vì vậy, nhóm sáng lập đã quyết định thống nhất sức mạnh thương hiệu và đổi tên Thị Trường Việt thành Mắt Bão Media.

Nhưng không phải sức mạnh thương hiệu và tài nguyên tích lũy về thông tin khách hàng có thể đảm bảo sự thành công. Câu chuyện kinh doanh phần cứng sau đó 6 tháng của Mắt Bão Distribution là một mình chứng. Mắt Bão xâm nhập thị trường phần cứng trong thời điểm nóng, nhu cầu cao nhưng bị chiếm lĩnh bởi các công ty lớn khác. Mảng phần cứng hoạt động được hơn một năm thì ngưng lại và Mắt Bão chỉ còn tập trung vào dịch vụ nền tảng hạ tầng mạng cho đến mãi sau này.

Huynh-Ngoc-Duy.jpg

Huỳnh Ngọc Duy - Hiện nay là giám đốc của Mắt Bão Media

 


Nhà cung cấp dịch vụ

Mắt Bão hiện nay có hơn 1000 nhân viên tại văn phòng Hà Nội và Tp. HCM. Hoạt động của công ty bao gồm cung cấp hạ tầng web, các giải pháp về phát triển website và ứng dụng trên nền web, đồng thời là nhà cung cấp các giải pháp về thương mại điện tử. Ngoài ra Mắt Bão còn tham gia vào thị trường  cung cấp dịch vụ thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO) trong lĩnh vực nhân sự và chăm sóc khách hàng và là chủ sở hữu các trung tâm huấn luyện thể thao điện tử ACES Gaming.

Ông Lê Hải Bình cho rằng phát triển ngành dịch vụ CNTT và dịch vụ cung cấp nhân lực là một việc rất khó. Để làm được việc này, quan trọng nhất là phải hiểu được văn hóa sử dụng dịch vụ của Việt Nam. Công ty đã phải tự tìm hiểu, phân tích, đánh giá để có thể có được báo cáo cụ thể nhằm hoạch định chiến lược phát triển dịch vụ này. Khi nền kinh tế mở cửa, các công ty, tập đoàn nước ngoài với nhiều năm kinh nghiệm, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ cao, khả năng tài chính mạnh đã sẵn sàng cho việc đổ bộ vao thị trường Việt Nam đầy tiềm năng. Là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 100% Việt Nam, Mắt Bão buộc phải nâng cấp, mua lại công nghệ, thay đổi quy trình chuyên nghiệp hơn để cạnh tranh.

Còn đối với mảng dịch vụ BPO (business process outsourcing) và một số dịch vụ mới khác của Mắt Bão, khách hàng chưa có thói quen thuê mà thường tự làm. Việc tổ chức các hoạt động truyền thông, mở các khóa đào tạo, hội thảo nhằm thay đổi tư duy này của khách hàng là việc mà Mắt Bão làm thường xuyên và liên tục.

Mắt Bão Network : bán cơm bình dân để gom bạc lẻ

Với định hướng dịch vụ mạng, Mắt Bão nhằm đến những mặt hàng giá trị thấp dễ bán nhưng là nhu cầu thiết yếu, liên tục như tên miền hay hosting. Vào những thời kì đầu, giá mỗi tên miền quốc tế chỉ là 175 nghìn VND/năm là không quá khó khăn đối với người dùng cá nhân – nhóm khách hàng quan trọng của Mắt Bão. Đối với Doanh Nghiệp nhỏ thì 500 nghìn VND để duy trì trang web là con số cũng dễ chấp nhận.

Vào thời điểm khởi nghiệp, Mắt Bão cố gắng phân tích thị trường, khách hàng để tìm ra một ngách hẹp chưa có ai cung cấp ( năm 2002 là dịch vụ hosting trên nền Windows). Từ đó, tập trung toàn lực vào mảng này. Sau khi đạt được thánh quà nhất định, Mắt Bão mới tiếp tục đầu tư mở rộng sang các mảng dịch vụ khác. Và cách làm cũng tương tự.

Năm 2003, một trong những cột mốc đánh dấu dự phát triển của Mắt Bão là khi công ty bắt đầu mở dịch vụ Đăng ký tên miền, hosting và trở thành đại lý chính thức của Enom Inc tại Việt Nam. Trong khoảng thời gian này, xu hướng online đã hình thành và Mắt Bão đã  đào tạo được hướng đi cho mình trong lĩnh vực dịch vụ mạng. Không những vậy, những công cụ cộng thêm như hệ thống bóc tách thông tin DCS (Data Collection System) do Mắt Bão phát triển dùng để tổng hợp thông tin theo thời gian và theo yêu cầu của khách hàng đã tạo được những thành công nhất định.

Tính đến thời điểm hiện tại , 95% khách hàng của Mắt Bão là doanh nghiệp nhỏ và người dùng cá nhân. Mỗi khách hàng với chi phí trung bình trên dưới 3 triệu đồng đã có nguyên gói dịch vụ bao gồm domain, hosting, email, website. Con số này đúng là thu bạc lẻ đối với một công ty làm dịch vụ tầm cỡ, nhưng khi có trong tay với lượng khách hàng cỡ 100.000 thì là một câu chuyện khác. Dịch vụ này mang lại hàng trăm tỷ cho Mắt Bão mỗi năm và lượng khách hàng hầu như không thay đổi. Trong quá trình phát triển dịch vụ của mình, Mắt Bão cũng cố gắng tìm đến các doanh nghiệp lớn như Lotte, Diamond Plaza, Hòa Bình Construction hay Vietcombank nhằm tăng cường uy tín, mặc dù nguồn thu từ đây không đáng kể. Việc định vị đối tượng và hình thức dịch vụ công thêm nhằm hỗ trợ khách hàng đã tạo nên thành công cho Mắt Bão Network.

ben-trong-du-lieu.jpg
Bên trong trung tâm dữ liệu

Mắt Bão Media : cái đuôi dài


Giữa năm 2007, Google vào Việt Nam sau khi thành lập văn phòng tại Singapore. Đây cũng chính là bược ngoặc lớn trong ngành kinh doanh quảng cáo trực tuyến khi hãng tìm kiếm này bắt đầu thiết lập quan hệ với một số đối tác trong nước, trong đó có Mắt Bão. Sau hơn 1 năm tích lũy kinh nghiệm bán hàng, Mắt Bão đạt được chứng chỉ của Google và trở thành một trong những đại lý lớn của hãng tìm kiếm tại thị trường Việt Nam. Thời điểm đó, chỉ khoảng 2-3 nhà cung cấp dịch vụ như vậy. Gói marketing mà Mắt Bão Media mang đến dựa trên nền tảng công cụ tìm kiếm đã tạo nên làn gió mới.

Thời điểm này, xu hướng online vẫn chưa được doanh nghiệp quan tâm nhiều, chỉ có các công ty trẻ về tư duy mới dễ dàng tiếp nhận và đầu tư thực sự vào lĩnh vực trực tuyến. Nắm  trong tay các số liệu đánh giá về dữ liệu mạng , Mắt Bão Media tiếp cận các doanh nghiệp chưa có website  vào tạo ra nhu cầu cho họ. Việc thiết kế một trang web đã trở nên đơn giản hơn với chi phí bình dân và thông qua dịch vụ Chili. Tính đến thời điểm hiện tại, dịch vụ Chili đã cung cấp hơn 3.000 website cho doanh nghiệp nhỏ và cá nhân và hơn 60% doanh thu của Mắt Bão Media từ các dịch vụ cộng thêm khác.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D

Khi Mắt Bão chuyển hướng qua dịch vụ domain và hosting thì trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) đã manh nha hình thành nhằm xây dựng các hệ thống quản lý dịch vụ cho khách hàng và quy trình trong nội bộ. Trung tâm R&D của Mắt Bão trước đây là phòng lập trình, sau đó trở thành phòng quản lý dự án của công ty và dần sau này nhận trách nhiệm về nghiên cứu, tìm hiểu hành vi người dùng, nghiên cứu công nghệ và xây dựng công cụ quản lý.

Qua từng năm trung tâm dần được tối ưu hóa với mục tiêu chính là số hóa mọi hoạt động để trở thành văn phòng không giấy tờ, số hóa hoàn toàn dịch vụ của Mắt Bão đối với người dùng nhằm tăng tiện ích và sự tiện lợi. Khách hàng hiện nay chỉ lên mạng để xử lý cách hoạt động thanh toán, quản lý hay truy vấn thông tin cần thiết về tài khoản của mình. Các thủ tục như đăng ký tên miền hay gia hạn tên miền quốc tế cũng trở nên dễ dàng hơn khi Mắt Bão tích hợp đầy đủ các công cụ thanh toán. Một nhiệm vụ khác của phòng R&D là xây dựng, tối ưu hóa quy trình bên trong của công ty. Mỗi năm hoạt động R&D của Mắt Bão tiêu tốn gần 10 tỷ đồng để nghiên cứu phát triển các dịch vụ của mình.

Dịch vụ nền tảng hạ tầng - ODS

Trung tâm dữ liệu ODS được thành lập năm 2008, trong bối cảnh nhu cầu về lưu trữ dữ liệu bắt đầu gia tăng mạnh. Các nhà sáng lập Mắt Bão nhận thấy đây là một thời điểm chi phí đầu tư hạ tầng khá thấp, khoảng 1 triệu USD cho một Trung Tâm dữ liệu với sức chứa 1.600 (máy chủ 2U) hoặc 3.200 (máy chủ 1U). Năm 2014 vừa qua , ODS đã nâng cấp lên 100 tủ rack với khả năng chứa 2.000 máy chủ 2U hoặc 4.000 máy chủ 1U.

ODS cung cấp dịch vụ hạ tầng cho các nhà cung cấp dịch vụ tương tự Mắt Bão Network. Hiện nay, có hơn 60% nhà cung cấp dịch vụ mạng trong nước đang sử dụng trung tâm dữ diệu của ODS. Để tăng cường và bổ sung các dịch vụ của mình và bước theo xu hướng thị trường, ODS đã ký hợp tác với Parallels trong việc phân phối các giải pháp, dịch vụ điện toán đám mây của hãng này tại Việt Nam. Ngoài ra, ODS cũng là đối tác chính thức của nhiều hãng khác tại Việt Nam như  cPanel, Zimbra,…

Cho đến nay, sự thành công của Mắt Bão có thể xem là một quá trình phát triển tự nhiên, tất cả dường như chỉ là bài toán xu hướng thị trường. Điều quan trọng là Mắt Bão đã nắm bắt được điều này, tập trung vào một số dịch vụ cốt lõi, đồng thời bổ sung thêm vài “đuôi dài” dành cho mình. Sự thành công còn đến bởi một hệ thống quy trình chuẩn mực mà trong đó các công ty thành viên có thể bổ trợ cho nhau cùng phát triển mục đích duy nhất là dịch vụ thiết yêu dành cho khách hàng.

Bài viết được đăng trên tạp chí PC World Vietnam số 268 (02/2015)

 

Thích và chia sẻ bài viết trên Facebook để ủng hộ đội ngũ viết bài của Mắt Bão nhé!
Bài viết liên quan
Đừng bỏ lỡ tin tức mới sẽ giúp ích cho việc kinh doanh của bạn Đăng ký nhận tin, nhận ngay bài haynhững ưu đãi bất ngờ từ Mắt Bão.
Dịch vụ bạn muốn nhận tin
Đọc nhiều nhất